TTO - Ở hầu hết các địa phương trên cả nước, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã cơ bản hoàn tất.
Tại buổi làm việc mới đây với cụm thi Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ
GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã lưu ý cụm thi này nói riêng, cũng như các cụm thi trên toàn quốc nói chung, phải chú trọng hàng đầu vấn đề an ninh, tạo điều kiện an toàn tối đa cho thí sinh đi thi.
Hải Phòng: an toàn cho thí sinh là hàng đầu
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vào ngày 25-6, ông Lương Công Nhớ - hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải VN, đơn vị chủ trì cụm thi Hải Phòng - cho biết cụm thi Hải Phòng có 18.900 thí sinh đăng ký dự thi, với 25 điểm thi, có 8 điểm tại Trường ĐH Hàng hải VN.
Theo ông Nhớ, hiện tại mọi chuẩn bị về cơ sở vật chất cho điểm thi đã hoàn tất. Cụm thi Hải Phòng huy động trên 2.000 cán bộ, giảng viên, giáo viên làm công tác coi thi. Riêng Trường ĐH Hàng hải Hải Phòng đã dành khoảng 2.000 chỗ ở, với mức giá 25.000 đồng/ngày đêm/người để phục vụ thí sinh và người nhà. Hơn 2.000 sinh viên tình nguyện được huy động vào việc hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh ở các điểm thi.
Trao đổi với lãnh đạo cụm thi Hải Phòng, ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ
GD-ĐT, cho biết các môđun phần mềm liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia đã chạy thử nghiệm để hoàn thiện. Tuy nhiên, ông Trinh cũng lưu ý cụm thi Hải Phòng cũng như các cụm thi chung trên cả nước cần phải kiểm tra, rà soát kỹ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo thông suốt.
“Năm nay, các trường ĐH tổ chức cụm thi sẽ công bố kết quả thi, nên nếu không đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt thì sẽ không tránh được những trục trặc, ách tắc khiến phụ huynh và thí sinh lo lắng” - ông Trinh nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ban chỉ đạo thi tại Hải Phòng đã đề nghị các cơ quan liên quan có phương án phối hợp chặt chẽ, nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi, cho thí sinh.
Ngoài phương án phân luồng giao thông, giải quyết các sự cố phát sinh như cháy nổ, mất điện, ban chỉ đạo thi Hải Phòng yêu cầu ngành y tế phải kiểm tra, rà soát trước ngày thi các dịch vụ ăn uống, cung cấp thực phẩm nhằm hạn chế tình trạng xảy ra ngộ độc thức ăn cho thí sinh.
Quảng Nam, Đà Nẵng: hỗ trợ tối đa thí sinh miền núi đi thi
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, hiện công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia đã hoàn thành, đặc biệt là việc hỗ trợ cho các thí sinh ở miền núi. Đối với cụm ĐH: học sinh dân tộc thiểu số được các trường tham mưu UBND huyện trợ cấp tiền tàu xe, như Trường THPT Bắc Trà My có tám học sinh dân tộc thiểu số, được UBND huyện hỗ trợ mỗi em 200.000 đồng tiền tàu xe.
Riêng Trường PTDTNT Nước Oa tổ chức cho học sinh đi thi tại Tam Kỳ, lo xe đưa rước, ăn uống... Đối với cụm thi tốt nghiệp THPT: hầu hết các trường đều tổ chức cho các em ăn ở tại trường.
Theo ĐH Đà Nẵng, trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, Đà Nẵng chỉ có một cụm thi do ĐH Đà Nẵng chủ trì, với 10.998 thí sinh. Kỳ thi lần này sẽ có 11 điểm thi với 292 phòng thi, có 7 điểm thi được đặt tại các trường ĐH, CĐ và 4 điểm thi đặt tại các trường THPT.
ĐH Đà Nẵng có 300 đoàn viên, sinh viên tham gia lực lượng Tiếp sức mùa thi. Lực lượng này sẽ hỗ trợ thí sinh tại địa điểm thi như tiếp đón, hướng dẫn thông tin; cung cấp nước uống, đồ ăn nhẹ cho thí sinh và người nhà; hỗ trợ những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Bến Tre: dọn nhà cho
thí sinh ở miễn phí
Đây là năm đầu tiên tỉnh Bến Tre tổ chức thi THPT quốc gia tại địa phương. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 15.000 thí sinh và phụ huynh đổ về TP Bến Tre để dự thi.
Trong những ngày này, nhiều người dân xứ dừa ở gần các điểm thi đã dọn dẹp một phần nhà mình, chừa chỗ cho thí sinh và phụ huynh từ những huyện nghèo lên thi. Những dãy phòng trọ cho thuê tháng đã treo bảng ngưng nhận người mới, để trống chờ phục vụ miễn phí cho sĩ tử.
Chúng tôi đến dãy nhà trọ 30 phòng của ông Nguyễn Thanh Tâm (xã Sơn Đông, TP Bến Tre) đúng lúc ông đang quét dọn đường dẫn vào khu trọ. “Còn mấy ngày nữa là các cháu lên thi rồi, tui tranh thủ dọn dẹp sạch sẽ để các cháu có chỗ ở tốt nhất và an tâm thi cử” - ông Tâm cười, nói. Những ngày này dãy trọ của ông Tâm không nhận người thuê mới, chừa bảy phòng phục vụ miễn phí cho thí sinh và phụ huynh.
Còn ông Lê Văn Cả (P.Phú Khương, TP Bến Tre) có nhà gần Trường THPT chuyên Bến Tre, nên những ngày này ông tất bật dọn dẹp ba phòng chuẩn bị cho thí sinh và phụ huynh đến ở. Ba phòng này vốn là phòng học, phòng riêng của các con ông Cả, nhưng theo lệnh “tổng động viên” của ông, mọi sinh hoạt của gia đình được chuyển vào một gian riêng của căn nhà. Ông Cả dự định sẽ cho hơn 10 người ở miễn phí trong những ngày thi sắp tới.
Theo anh Tôn Đức Tài - trưởng ban thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn, chỉ huy chương trình Tiếp sức mùa thi tỉnh Bến Tre, ngoài hơn 1.000 chỗ ở cho thí sinh tại các ký túc xá, các tình nguyện viên đã vận động được hàng trăm chỗ ở miễn phí từ người dân, con số này cũng đang tăng lên từng ngày. Ngoài ra, Tỉnh đoàn còn vận động được 1.300 suất ăn miễn phí/ngày cho các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, quyên góp được 39 triệu đồng hỗ trợ chi phí đi thi cho 73 thí sinh khó khăn.
Kiến nghị đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT
về các địa phương
Tại hội nghị giao ban giáo dục của vùng 7 (gồm năm TP trực thuộc trung ương) tổ chức tại Hải Phòng ngày 25-6, ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cụm trưởng cụm thi đua vùng 7 - đã kiến nghị với bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương.
Theo đó, các sở GD-ĐT chủ động tổ chức coi thi, chấm thi, xét tốt nghiệp THPT tại địa bàn của mình. Bộ GD-ĐT chỉ có trách nhiệm ban hành quy chế thi, xây dựng đề thi thống nhất trên toàn quốc. “Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ nên giao cho các trường ĐH-CĐ tổ chức như trước đây” - ông Độ nói.
VĨNH HÀ
|
(V.HÀ - Đ.CƯỜNG - M.TRƯỜNG)