Việc tổ chức đồng thời 2 loại cụm thi tại địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, đặc biệt ở những địa phương lần đầu tiên có cụm thi ĐH dấy lên những nghi ngại về sự khách quan và công bằng cho thí sinh giữa các cụm.
80% và 30%
Quy chế thi năm nay ghi rõ các cụm thi phải đảm bảo tối thiểu 50% cán bộ coi thi của trường ĐH và 50% từ sở GD-ĐT. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở mỗi cụm thi rất khác nhau.
Tại cụm thi ĐH của tỉnh Bến Tre do Trường ĐH Luật TP.HCM chủ trì, cán bộ coi thi được huy động từ trường này có 316 người, 156 người từ Trường CĐ Bến Tre và chỉ 101 người từ Sở GD-ĐT Bến Tre. Như vậy, tỷ lệ cán bộ coi thi trực tiếp đến từ các trường của cụm thi này chiếm tới trên 82%.
Trong khi đó cụm thi tốt nghiệp do Sở GD-ĐT Đồng Nai chủ trì có 9.950 thí sinh (TS), số cán bộ được huy động hơn 1.100 người nhưng tham gia coi thi và giám sát từ phía trường hỗ trợ (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và CĐ Y tế Đồng Nai) chỉ chiếm trên 30%. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã yêu cầu địa phương phải tăng số lượng cán bộ coi thi từ trường lên mức tối thiểu 40%. Ngoài cán bộ giảng viên, sở có thể sử dụng lực lượng sinh viên năm cuối của trường ĐH.
Tại Tây Ninh, cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì đảm bảo 60% cán bộ coi thi từ phía trường, 40% từ Sở GD-ĐT và Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh. Ở Bình Thuận, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết đảm bảo 50% cán bộ coi thi từ trường ĐH.
Sẽ thành lập các đoàn thanh tra lưu động
Trả lời phóng viên Thanh Niên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Các cụm thi ĐH năm nay không khác gì các năm trước vì đều do các trường ĐH có kinh nghiệm chủ trì. Trong đó, cán bộ coi thi phải đạt tỷ lệ 50% giữa trường ĐH và 50% từ địa phương. Việc chấm thi đều do các trường thực hiện. Một khi việc coi thi và chấm thi an toàn nghiêm túc thì không có gì phải nghi ngờ về kết quả kỳ thi”. Tuy nhiên, ông Ga cho biết Bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra lưu động, kết hợp với đoàn thanh tra của các ban ngành địa phương khác để giám sát kỹ lưỡng từ khâu tổ chức đến chấm thi. Đặc biệt ở môn ngoại ngữ, ông Ga đề nghị các cụm thi cần lưu ý để tránh xảy ra tình trạng nhầm lẫn điểm như năm ngoái. Vì môn này đề thi có 2 phần tự luận và trắc nghiệm, việc chấm thi và tính điểm cũng thực hiện theo 2 hình thức khác nhau.
|
Sự khác biệt còn ở tỷ lệ cán bộ chấm thi. Quy chế không bắt buộc tỷ lệ cụ thể với giáo viên chấm thi của các cụm này, vì vậy việc huy động và bố trí lực lượng chấm thi ở mỗi cụm có sự khác biệt.
Cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai chủ trì đến thời điểm này đã huy động được 144 cán bộ chấm thi tự luận với tỷ lệ 200 bài/giám khảo. Tuy nhiên, 100% giám khảo này đều từ sở. Tương tự, Sở GD-ĐT Bến Tre cũng không huy động được thêm cán bộ bên ngoài sở tham gia chấm thi.
Đặc biệt, cụm thi ĐH do Trường ĐH Tiền Giang chủ trì hiện chỉ huy động được 47 cán bộ chấm thi từ trường ĐH (chiếm 14%), trong đó riêng môn lịch sử chỉ có 1 người, môn địa lý không có người nào. Thay vào đó, trường ĐH này phải huy động thêm 286 giáo viên phổ thông tỉnh tham gia chấm thi (chiếm tới gần 86%).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trong buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang ngày 17.6 cũng đã đặt vấn đề trước những con số này. Ông Ga chỉ đạo: “Trường hợp không thể huy động thêm lực lượng chấm thi từ trường ĐH, địa phương cần có biện pháp bố trí cán bộ chấm thi phù hợp để đảm bảo tính khách quan, do số lượng giáo viên phổ thông trên địa bàn tham gia chấm thi quá nhiều”.
Không sử dụng giáo viên địa phương chấm thi.
Trong khi đó, hầu hết các trường ĐH tại TP.HCM được phân công chủ trì cụm thi tại địa phương đều cho biết sẽ vận chuyển bài thi về TP.HCM để chấm.
Tiến sĩ Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết sau khi rọc phách tại Trường ĐH Luật TP.HCM, toàn bộ bài thi tự luận được chuyển qua nhờ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chấm và bài thi trắc nghiệm nhờ ĐH Quốc gia TP.HCM.
Đơn vị chủ trì cụm thi ĐH tại Đồng Nai là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng có phương án tương tự. Theo PGS-TS Lê Văn Tán, Phó hiệu trưởng, sau khi thi xong sẽ chuyển bài về TP.HCM chấm. Việc chấm thi bắt đầu ngày 8.7 và hoàn thành công tác chấm thi vào ngày 17.7. Riêng môn tự luận, trường có 47 cán bộ chấm thi và 240 giáo viên đến từ Sở GD-ĐT TP.HCM. Các môn trắc nghiệm trường cũng tự chấm.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì cụm thi ĐH tại tỉnh Tây Ninh cũng lên kế hoạch chuyển toàn bộ bài thi về TP.HCM chấm tại trường với đội ngũ chấm thi là giảng viên của trường và giáo viên của tỉnh Tây Ninh. Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết toàn bộ bài thi sau khi rọc phách xong vẫn chuyển về TP.HCM để tổ chức chấm. Và để đảm bảo khách quan, sẽ không có giáo viên địa phương nào tham gia chấm thi.
Phải huy động đủ cán bộ chấm thi
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có chỉ thị về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Bộ trưởng yêu cầu các trường phải thực hiện nhằm tiến tới việc tổ chức kỳ thi an toàn, công minh, TS được tạo điều kiện thuận lợi trước và trong quá trình dự thi... Triển khai thực hiện tốt các công việc về in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi tuyệt đối an toàn. Các trường phải có kế hoạch huy động đủ cán bộ chấm thi các môn tự luận để bảo đảm tiến độ chấm thi theo kế hoạch. Bên cạnh đó, phải rà soát kỹ phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm tổng hợp điểm thi (đặc biệt lưu ý đến việc quy tròn điểm môn thi, thang điểm môn ngoại ngữ)...
Với công tác tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ trưởng yêu cầu các trường phải thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch phương án tuyển sinh... Tổ chức tốt công tác tiếp nhận thông tin đăng ký xét tuyển của TS, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự, gây bức xúc dư luận tại những nơi tiếp nhận đăng ký xét tuyển.
Quý Hiên
|
(Hà Ánh)