Từ Bác sĩ đa khoa, Xây dựng, Kế toán đến Văn Báo chí, Du lịch,… chỉ cần nghe tên gọi là hiểu ngay được sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ làm gì...
Tuy nhiên, Công nghệ Sinh học lại hoàn toàn khác, nhất là khi ngành học này thường được xem là nền tảng, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác phát triển. Để nhận diện ngành học này cũng như tìm hiểu về cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ Sinh học, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với TS Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Sinh học phân tử, Đại học (ĐH) Duy Tân.
- PV: Các quy trình từ sản xuất thuốc, nhân giống cây trồng/vật nuôi, hay nghiên cứu công nghệ để giải quyết các vấn đề môi trường đều có liên quan đến Công nghệ Sinh học. Vậy thầy có thể chia sẻ cụ thể hơn về ngành này cũng như vai trò của Công nghệ Sinh học trong ứng dụng sản xuất phục vụ đời sống con người, thưa thầy?
TS Nguyễn Minh Hùng: Công nghệ Sinh học không còn là một khái niệm mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tuy nhiên, lĩnh vực khoa học và công nghệ này rất rộng lớn nên nhiều khi nó lại trở thành một khái niệm trừu tượng và khó hiểu đối với những người không hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn này. Công nghệ Sinh học tên tiếng Anh là Biotechnology là sự kết hợp của hai từ Bio trong từ Biology (nghĩa là Sinh học) và Technology (nghĩa là Công nghệ). Như vậy, Biotechnology là sự kết hợp giữa Công nghệ và Sinh học, cũng chính là quá trình sử dụng các công nghệ, kỹ thuật thao tác trên các đối tượng sinh vật, tế bào, in vitro/in vivo,… để tạo ra các sản phẩm mang những đặc tính vượt trội theo mong muốn của con người.
Công nghệ Sinh học được áp dụng trong rất nhiều quá trình điều chế và sản xuất như:
• Sản xuất thuốc, thức ăn,
• Điều chế và sản xuất hóa chất công nghiệp
• Phát triển giống cây trồng, vật nuôi,
• Ứng dụng công nghệ di truyền,
• Xét nghiệm trong y khoa,…
Công nghệ Sinh học là nền tảng tham gia vào quá trình phát triển của tất cả các lĩnh vực như:
• Nông nghiệp,
• Thủy sản,
• Y dược,
• Chế biến Thực phẩm,
• Bảo vệ Môi trường,
• Năng lượng,
• Hóa học và Vật liệu,…
Bởi thế, đây là ngành học đang ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển với vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy hoạt động khoa học cũng như tăng trưởng kinh tế của đất nước.
- PV: Cùng với các viện hay các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học được trao trọng trách rất lớn trong việc đẩy mạnh nghiên cứu và đào tạo nhân lực ngành Công nghệ Sinh học. Năm 2019 là năm đầu tiên ĐH Duy Tân tuyển sinh đào tạo ngành học này. Thầy có thể cho biết, những chuẩn bị của nhà trường trong công tác đào tạo để đảm bảo năng lực làm việc cho sinh viên khi tốt nghiệp?
TS Nguyễn Minh Hùng: Sinh viên sẽ được đào tạo bài bản từ kiến thức cơ bản đến nâng cao, từ lý thuyết đến thực tiễn. Ngoài những kiến thức cơ bản về sinh hóa, tế bào, vi sinh,… sinh viên cũng sẽ nắm vững các quy trình công nghệ đang rất được quan tâm hiện nay, đó là:
• Công nghệ Di truyền,
• Công nghệ Vi sinh vật,
• Công nghệ Enzyme và Protein,…
Những công nghệ này sẽ hỗ trợ tối đa cho các em trong quá trình nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm có ích cho xã hội.
Để hỗ trợ đắc lực cho công tác chuẩn bị đào tạo ngành học này, ĐH Duy Tân đã thành lập Trung tâm Sinh học phân tử với đội ngũ các tiến sĩ được đào tạo bài bản ở các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực nghiên cứu như: Sinh học phân tử, Sinh lý thực vật phân tử, Vi sinh phân tử, Enzyme, Hóa sinh protein, Vật liệu Nano y sinh, Di truyền phân tử, Di truyền tế bào gốc, Sinh học phân tử tế bào, Dược lý phân tử, Hóa học các hợp chất thiên nhiên; Tin Sinh học và mô phỏng,... Các tiến sĩ tại trung tâm đã công bố hàng chục công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học uy tín như tạp chí Nature, Stem Cell Reports, Plos One,... và hiện đang thực hiện;
• 6 đề tài Nafosted,
• 1 đề tài cấp Nhà nước Nghị định thư Việt - Ý,
• 2 đề tài hợp tác quốc tế.
Các tiến sĩ sẽ trực tiếp đứng lớp để giảng dạy và truyền đạt những kinh nghiệm quý báu về ngành nghề ngay cho khóa đầu tiên theo học Công nghệ Sinh học tại trường.
Sinh viên theo học ngành Công nghệ Sinh học sẽ được thực hành với nhiều thiết bị hiện đại
|
- PV: Công nghệ Sinh học là ngành học nghiên cứu ứng dụng, tạo ra sản phẩm cụ thể cho xã hội, bởi thế cơ sở thực hành được các thí sinh quan tâm hàng đầu trước khi lựa chọn theo học. Trong khi một số cơ sở đào tạo vẫn phải dạy “chay”, ĐH Duy Tân khắc phục điều này như thế nào, thưa thầy?
TS Nguyễn Minh Hùng: Đào tạo Công nghệ Sinh học tại ĐH Duy Tân sẽ đi theo hướng kết hợp học lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm trên các dự án, đề tài khoa học mà trường thường xuyên “trúng thầu”. Các em cũng sẽ được tham gia vào các nghiên cứu khoa học do chính các Tiến sĩ ngành Công nghệ Sinh học đang triển khai tại trường. Bởi thế, ĐH Duy Tân đã đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm nghiên cứu và thực hành với các thiết bị máy móc hiện đại nhất. Sinh viên ngay trong quá trình học sẽ có cơ hội thao tác trên các loại máy như: PCR, realtime PCR, HPLC, FPLC, Giải trình tự,… Ngoài ra, các sinh viên giỏi, xuất sắc sẽ sẽ được gửi đến các công ty, các viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước để được học tập và trau dồi về kiến thức chuyên môn, kỹ năng và thực hành nghề nghiệp.
- PV: Ở những nước phát triển thì việc ứng dụng Công nghệ Sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi hay công nghiệp chế biến được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, áp dụng Công nghệ Sinh học vào sản xuất vẫn ở một mức độ vừa phải. Như vậy có phải sẽ rất khó khăn để sinh viên có thể tìm được công việc yêu thích theo đúng ngành học của mình, thưa thầy?
TS Nguyễn Minh Hùng: Trong khoảng 20 năm trở lại đây, tại Việt Nam, Công nghệ Sinh học đã có những bước phát triển sâu và rộng. Lĩnh vực này không chỉ được chú trọng ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, các bệnh viện mà còn mở rộng quy mô, đầu tư nghiên cứu bài bản ở các công ty hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học, Sinh học phân tử,… Những đóng góp to lớn của Công nghệ Sinh học trong những năm gần đây cho Y tế, Nông nghiệp, Công nghiệp đã giúp cải thiện sức khỏe và tăng cường chất lượng cuộc sống của con người. Theo kế hoạch đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ cao đến năm 2020 của Việt Nam, các trường đại học cần đào tạo được 25.000 nhân lực Công nghệ Sinh học. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu này. Bởi thế, triển vọng nghề nghiệp dành cho thí sinh lựa chọn theo học ngành Công nghệ Sinh học là rất lớn, là cơ hội cho các tân Cử nhân lựa chọn việc làm với mức lương hấp dẫn cùng với chế độ đãi ngộ tốt.
Từ thực tế cũng cho thấy trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn như Vingroup, HAGL, Trường Hải, Việt Úc, Minh Phú,... đã có những bước đi quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ Sinh học Nông nghiệp, Nông nghiệp Công nghệ cao. Các tập toàn này đã đầu tư hàng tỷ đôla Mỹ để xây dựng các hệ thống nông trại nhằm sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, có kiểm soát hóa chất, dịch bệnh. Đây chính là môi trường làm việc rất tốt, là cơ hội để các Cử nhân Công nghệ Sinh học thử sức, áp dụng những kiến thức đã được học tại trường vào thực tế sản xuất để cho ra đời những sản phẩm chất lượng phục vụ cuộc sống.
- PV: Cám ơn những chia sẻ thú vị của thầy.
Mùa tuyển sinh 2019, ĐH Duy Tân tiếp tục đưa ra nhiều suất học bổng ưu đãi đặc biệt dành cho sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, cụ thể:
• Học bổng Duy Tân: 720 suất học bổng với trị giá từ 1.000.000 - 5.000.000 VNĐ/suất cho những thí sinh đăng ký có tổng điểm xét tuyển 3 môn từ kỳ thi THPT quốc gia >= điểm trúng tuyển từ 3 đến 10 điểm.
• 700 suất học bổng trị giá từ 500.000 - 2.000.000 VNĐ/suất cho những thí sinh có tổng điểm xét tuyển học bạ THPT từ 22 điểm trở lên, trong đó có thí sinh theo học ngành Công nghệ Sinh học.
• Học bổng trị giá 5.000.000 VNĐ/suất cho năm học đầu tiên: dành cho các thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, đạt giải khuyến khích trong cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp quốc gia khi đăng ký theo học ngành Công nghệ sinh học tại ĐH Duy Tân.
TIN LIÊN QUAN